Xoa dịu những đau thương

Thật là may mắn cho chúng ta! Chúng ta được sinh ra với thân hình lành lặn, có được cơm no, áo ấm, có đủ điều kiện để học tập. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều người kém may mắn hơn chúng ta, họ đang phải chịu nhiều đau khổ. Biết bao nhiêu em bé vừa mới cất tiếng khóc chào đời đã phải mang thân hình khuyết tật, dị dạng, suốt đời họ phải sống trong mặc cảm và khổ đau. Có nhiều em bé ngây thơ, hiền lành, nhưng vì em sinh ra trong gia đình nghèo khó, cho nên chỉ một ước mơ rất đỗi bình thường: “Ước gì em được cắp sách đến trường!”, thế nhưng nó quá xa vời đối với các em và điều ước ấy không có cơ may trở thành hiện thực nếu như không có người giúp đỡ.
Chúng ta được sống trong tình thương yêu của mẹ, trong sự bảo bọc của cha, nhận được sự nuôi nấng, dạy bảo của hai đấng sinh thành. Trong khi đó, có không ít người vừa mới lọt lòng mẹ thì đã phải mang thân phận mồ côi, sống lây lất giữa chợ đời, phải sớm vật lộn với kế sinh nhai, đêm đông về không mảnh áo ấm che thân, ngồi run rẩy nơi ghế đá công viên hay nép mình vào bên xó cửa.
Chưa hết, còn có rất nhiều người bị lâm trọng bệnh, quằn quại trong cơn đau, đối mặt với tử thần, nhưng do nhà nghèo, cơm còn không có ăn thì lấy đâu ra tiền để lo viện phí, cho nên họ phải cắn răng chịu đựng. Rồi các cụ già neo đơn sống trong cô quạnh, trong nỗi buồn hiu hắt của tuổi già. Họ thiếu thốn và đau khổ hơn chúng ta rất nhiều. Họ cần được giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trước thực trạng thương tâm như thế, những người con Phật, những người học theo hạnh nguyện từ bi, cứu khổ của chư Phật, chư vị Bồ tát như chúng ta không thể nào nhắm mắt làm ngơ được. Với tấm lòng thương cảm sâu sắc trước những mảnh đời bất hạnh, chúng ta cần phải hành động, cần phải làm những việc trong khả năng của mình để có thể đem đến nụ cười cho những em thơ bất hạnh, có thể san sẻ phần nào khó khăn của những người nghèo khó, góp phần làm vơi bớt những giọt lệ khổ sầu, những tiếng than khóc đau thương trong cuộc sống.
Là một Đoàn sinh của Gia đình Phật tử, chúng ta có thể biểu hiện lòng thương yêu, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc đóng góp sách vở, quần áo cũ, đóng góp chút ít tiền mà mình đã dành dụm được để giúp đỡ các bạn thiếu niên ở những vùng quê nghèo, không có đủ quần áo, sách vở để đi học, hoặc là đóng góp để ủng hộ cho người dân ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Đấy là những việc làm thiết thực. Tuy nhiên, sự đóng góp, ủng hộ này thường lâu lâu mới có một lần, chứ không phải thường xuyên. Vậy thì một Đoàn sinh có thể thể hiện lòng thương yêu, chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn trong đời sống hàng ngày của mình như thế nào? Mỗi khi đi ra đường, nếu gặp người ăn xin đến xin mình và trong túi mình có tiền thì mình có thể cho họ một ít tiền. Đôi khi chúng ta không có nhiều tiền, chúng ta có thể trích tiền ăn sáng mà ba mẹ đã cho mình để cho họ, còn mình thì ăn sáng ít lại, hoặc khi gặp những trường hợp đặc biệt, họ thật sự khó khăn, rất đáng thương thì chúng ta có thể cho họ tất cả số tiền ăn sáng của mình, còn mình thì nhịn ăn. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng ca ngợi.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mình cũng có sẵn tiền trong túi để cho người ăn xin mỗi khi gặp họ. Nếu gặp lúc mình không có một xu dính túi thì chúng ta vẫn còn có thứ để cho họ, thứ ấy chính là lòng tử tế và sự cảm thông, chia sẻ của mình đối với họ. Dù cho chúng ta có tiền để cho hay không, chúng ta cũng cần phải tử tế, lịch sự đối với họ và tôn trọng họ. Nhiều khi chỉ cần mình biết tôn trọng và tử tế với họ, dù không cho họ tiền cũng đủ để làm cho vui. Đây là nhân tố rất quan trọng, thể hiện rõ nhân cách đạo đức của người cho, và quyết định tính chất của việc cho. Chính vì vậy mà người xưa đã dạy: “Của cho không bằng cách cho”.
Đến thăm và tặng quà cho những trẻ em mồ côi và người già ở các trại mồ côi, viện dưỡng lão, đi thăm bệnh nhân ở các bệnh viện cũng là những việc mà chúng ta có thể làm được. Các anh chị huynh trưởng có thể tổ chức các chuyến thăm hỏi và tặng quà các trại mồ côi, viện dưỡng lão, các bệnh viện để cho các em đoàn sinh tham gia, để tạo điều kiện cho các em tận tay trao những món quà tinh thần đến cho các em mồ côi, những người già neo đơn, những bệnh nhân để các em có thể cảm nhận một cách sâu sắc về hiện thực của cuộc sống, từ đó nuôi dưỡng lòng thương yêu và chia sẻ của các em ngày càng lớn mạnh.
Còn có một việc làm cũng không kém phần ý nghĩa, thể hiện tình thương yêu, sự xẻ chia và cảm thông của mình đối với người khác ấy là chia sẻ và giúp đỡ bạn bè của mình khi bạn gặp khó khăn. Nếu biết bạn mình đang gặp khó khăn về tiền bạc, bạn thật sự cần tiền để làm một việc gì đó mà không có, mình có tiền thì có thể cho bạn mượn, hoặc biếu bạn, thậm chí nếu mình biết gia đình của bạn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như cha mẹ bạn ấy đang bị bệnh nặng, cần một khoản tiền khá lớn để chữa trị, nhưng gia đình bạn ấy không kham nổi thì mình có thể thưa với ba mẹ của mình để xem ba mẹ có thể giúp đỡ cho gia đình của bạn ấy được phần nào hay không. Nếu mình thưa rõ với ba mẹ về hoàn cảnh của gia đình bạn và nhờ ba mẹ hỗ trợ thì chắc chắn rằng ba mẹ của mình sẽ không la rầy, ngược lại còn thương yêu và tự hòa về mình, vì ba mẹ biết là mình đã trưởng thành, đã biết thương yêu và giúp đỡ mọi người.
Và một điều rất quan trọng để thể hiện lòng thương yêu, chia sẻ và cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình, xã hội, ấy là tự thân chúng ta phải biết tiết kiệm trong mọi vấn đề của cuộc sống, không được tiêu xài phung phí, xa xỉ, cái gì cần thiết mới mua, không cần thiết thì thôi, không được đua đòi theo bạn bè, không được đòi hỏi những thứ vượt quá khả năng tài chính của mình, của gia đình mình. Mỗi khi chúng ta ăn, mỗi khi chúng ta mua sắm, chúng ta phải luôn nghĩ đến những người hiện đang không có cơm để ăn, không có áo để mặc, không được cắp sách đến trường, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, ... Nghĩ đến những điều này để chúng ta biết tiết kiệm, dành dụm để có thể chia sẻ cho họ khi có điều kiện, và cũng là để tự mừng cho hoàn cảnh của mình để rồi cố gắng vươn lên, không ngừng hoàn thiện bản thân mình, nhằm đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và của toàn xã hội, và cũng là để thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình trong cuộc sống.
Xã hội chúng ta còn không ít những mảnh đời bất hạnh. Cần có sự chung tay, góp sức của mọi người, mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là những người Phật tử như chúng ta, để xoa dịu những đau thương của các mảnh đời bất hạnh, những người kém may mắn. Đây chính là sự thể hiện tinh thần từ bi một cách thiết thực. Chúng ta đến với những người bất hạnh bằng tình thương yêu của mình, đem tình thương yêu để xoa dịu những nỗi đau thương của họ.
TT. Thích Huệ Thành

No comments:

Post a Comment